Hàng tồn kho là gì?
Là những tài sản được giữ để bán hoặc đang trong quá trình sản xuất kinh doanh dở dang hoặc có thể là nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng cho quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.
Những tài sản được giữ để bán như: thành phẩm, hàng hóa tồn kho, thành phẩm hoặc hàng hóa đang gửi đi bán hay những hàng hóa mua đang đi trên đường.
Những tài sản trong quá trình kinh doanh sản xuất dở dang : sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ còn đang dở dang,.
Nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng cho quá trình sản xuất kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ: nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ tồn trong kho, NL VL CCDC đang gửi gia công chế biến, NL VL CCDC mua đang đi đường.
Xác định giá trị hàng tồn kho?
Hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Nếu giá trị gốc của hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thì sẽ ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được.
Giá gốc của hàng tồn kho
Bao gồm chi phí mua, chi phí chế biến cũng như các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại. Các chi phí mua của hàng tồn kho có thể kể đến giá mua, chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử, các khoản thuế không được hoàn lại (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường …). Các yếu tố như chiết khấu thương mại hay giảm giá hàng mua sẽ được loại trừ khỏi chi phí mua liên quan đến hàng tồn kho.
Chi phí chế biến: là chi phí liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.
Giá thuần có thể thực hiện được
Là giá bán ước tính của HTK trong kỳ SXKD bình thường trừ chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và tiêu thụ chúng. Cuối năm, nếu giá trị thuần có thể thực hiện được của HTK nhỏ hơn giá gốc của HTK đó thì phải lập dự phòng giảm giá HTK
Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho
Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho là cách thường xuyên kiểm tra số lượng và giá trị của hàng hóa và vật tư có sẵn trong kho tại một thời điểm nhất định, dựa trên kết quả kiểm kê thực tế. Sau đó, thông tin về giá trị tồn kho cuối kỳ của vật tư và hàng hóa được phản ánh trên sổ kế toán tổng hợp để tính toán giá trị của hàng hóa và vật tư đã xuất. Đây là phương pháp căn bản mà các kế toán kho cần nắm vững.
Đặc điểm của phương pháp kiểm kê định kỳ là thực hiện kiểm tra tại đầu kỳ và cuối kỳ, trong đó công ty sẽ không biết mức tồn kho đơn vị cũng như giá vốn hàng bán cho đến khi hoàn tất quá trình kê khai hàng tồn kho. Phương pháp này thường được sử dụng trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có trị giá thấp, đa chủng loại, số lượng tương đối lớn và doanh nghiệp sản xuất một loại hàng hóa, sản phẩm.
Hệ thống kế toán hàng tồn kho và công thức tính
Hệ thống kế toán hàng tồn kho kê khai thường xuyên
Theo hệ thống kế toán này, doanh nghiệp sẽ theo dõi và phản ánh một cách thường xuyên và liên tục tính hình biến động nhập, xuất của hàng tồn kho trên sổ sách kế toán. Chình vì vậy mà tại bất kỳ thời điểm nào các bạn cũng có thể xác định được giá trị của hàng tồn kho theo công thức sau đây:
Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm i = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho nhập trong kỳ đến thời điểm i – Giá trịn hàng tồn kho xuất trong kỳ đến thời điểm i
Đối với hệ thống kế toán kê khai thường xuyên kế toán thường sử dụng tài khoản Hàng Tồn Kho chẳng hạn như các tài khoản nguyên vật liệu, tải khoản công cụ dụng cụ, tài khoản hàng hóa, tài khoản thành phẩm, để phản ánh tình hình nhập xuất hàng tồn kho trong kỳ.
Theo hệ thống kế toán này thì cuối kỳ kế toán sẽ kiểm kê số lượng thực tế để đối chiếu với số lượng hàng tồn kho trên sổ sách kế toán.
Hệ thống kế toán hàng tồn kho kiểm kê định kỳ
Theo hệ thống này thì định kỳ doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả kiểm kể để xác định giá trị tồn kho cuối kỳ của hàng tồn kho trên số kế toán, từ đó xác định giá trị hàng tồn kho đã xuất trong kỳ để phản ánh vào sổ kế toán theo công thức sau:
Giá trị hàng tồn kho xuất trong kỳ = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho nhập trong kỳ – Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ
Đối với hệ thống kế toàn hàng tồn kho kiểm kê định kỳ thì kế toán sẽ không sử dụng các tài khoản hàng tồn kho như tài khoản nguyên vật liệu, tài khoản ccdc, tải khoản hàng hóa, tài khoản thành phẩm, để theo dõi tình hình nhập xuất hàng tồn kho trong kỳ mà kế toán sẽ sử dụng tải khoản mua hàng để phản ánh các nghiệp vụ nhập kho cũng như phản ánh giá trị hàng tồn kho đã xuất trong kỳ.
Các tài khoản hàng tồn kho nếu doanh nghiệp lựa chọn hệ thống kế toán hàng tồn kho kiểm kê định kỳ sẽ chỉ được sử dụng để phản ánh giá trị hàng tồn kho lúc đầu kỳ và giá trị hàng tồn kho lúc cuối kỳ.
So sánh 2 hệ thống kế toán hàng tồn kho
Kê khai thường xuyên | Kiểm kê định kỳ |
Kiểm soát hàng tồn kho tốt | Đơn giản, giảm nhẹ khối lượng công việc của kế toán trong việc ghi chép kế toán |
Tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể xác định được số lượng và giá trị hàng tồn kho, đối chiếu được với thực tế | Độ chính xác về hàng tồn kho xuất trong kỳ phụ thuộc vào chất lượng công tác kiểm kê, quản lý tại kho, bến bãi v.v… |
Phù hợp DN sản xuất, xây lắp, thương mại kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn (máy móc thiệt bị, phương tiện vận tải …) hàng có kỹ thuật chất lượng cao | Phù hợp với những đơn vị có nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư với nhiều quy cách, mẫu mã khác nhau, giá trị thấp, vật tư hàng hóa xuất dùng hay xuất bán thường xuyên. |
Ví dụ phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho
Tại một doanh nghiệp, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Trong kỳ doanh nghiệp có mua 1 lô hàng hóa
- Giá mua chưa thuế 100
- Thuế nhập khẩu 50
- Chi phí vận chuyển 10
- Được giảm giá 10
Theo công thức giá gốc = 100 + 50 + 10 – 10 = 150
Trường hợp 1
15/10/N Giá gốc của lô hàng hóa = 150
Vào ngày 31/12/N
Giá bán ước tính 500
Chi phí bán hàng ước tính 120
Giá trị thuần có thể thực hiện được = 500 – 120 = 380
Giá trị thuần có thể thực hiện được > giá gốc (150)
Do đó Không phải trích lập dự phòng
Trương hợp 2
Vào ngày 31/12/N
Giá bán ước tính 500
Chi phí bán hàng ước tính 400
Giá trị thuần có thể thực hiện được = 500 – 400= 100
Giá trị thuần có thể thực hiện được < giá gốc (150)
Do đó phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho lô hàng hóa này = 150 – 100 = 50
Bảng cân đối kế toán
Hàng hóa : 150
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho : 50
Giá trị thuần của hàng hóa: 100